Nhóm âm mưu hồi sinh Phong_trào_chống_đối_Hitler

Thất bại trên mặt trận Nga trong mùa đông 1941 và việc cách chức một số thống chế cùng tư lệnh mặt trận cao cấp làm khơi dậy hy vọng của những người âm mưu chống Quốc xã. Nhóm âm mưu cho rằng chỉ có các tướng lĩnh đang cầm quân mới có đủ sức mạnh để lật đổ nhà độc tài Quốc xã. Bây giờ còn có cơ hội trước khi quá muộn. Sau thất lại ở Liên Xô và thêm Mỹ tham chiến, họ nghĩ Đức không thể nào thắng cuộc chiến. Nhưng vẫn chưa chiến bại. Một chính phủ chống Quốc xã ở Berlin vẫn có thể nhận những điều kiện hòa bình để duy trì Đức như là một cường quốc và, có lẽ, giữ lại vài lãnh thổ do Hitler thôn tính, như Áo, Sudetenland và tây Ba Lan.

Vào cuối mùa hè 1941, nhóm âm mưu vẫn còn nghĩ như thế, khi vẫn còn có triển vọng tiêu diệt Liên Xô. Nhưng họ bị giáng một đòn nặng. Hiến chương Đại Tây Dương do Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt soạn thảo ngày 19/8, đặc biệt Điểm 8, quy định sau chiến tranh sẽ giải giới nước Đức trong khi chờ hiệp định giải trừ binh bị tổng quát. Hassell, Goerdeler, Beck cùng những thành viên trong nhóm thấy điều này có nghĩa là Đồng minh không có ý định phân biệt giữa người Đức theo Quốc xã và người Đức chống Quốc xã.

Dù mất ảo tưởng vì Hiến chương Đại Tây Dương, nhóm âm mưu vẫn thấy cần thiết phải loại trừ Hitler trong khi còn kịp đàm phán có lợi cho nền hòa bình cho một nước Đức lúc này vẫn còn chiếm nhiều phần đất của châu Âu. Thời giờ đang cấp bách. Nhóm âm mưu nhất trí với nhau là chẳng bao lâu sẽ trở nên quá muộn. Khi cơ may thắng lợi trong cuộc chiến mất đi hoặc còn mong manh thì không còn có thể làm gì được nữa.

Trung tâm âm mưu trong Quân đội vào mùa hè này là tổng hành dinh của Tập đoàn quân Trung tâm của Thống chế Fedor von Bock đang tiến đến Moskva. Trung tướng Henning von Tresckow dưới quyền Bock là người cầm đầu, được hỗ trợ bởi Fabian von Schlabrendorff, Bá tước Hans von Hardenberg và Bá tước Heinrich von Lehndorff, cả hai đều thuộc dòng dõi có tiếng tăm. Một trong những nhiệm vụ tự họ đặt ra là làm công tác tư tưởng của vị Thống chế, nhưng không thành công. Dù chán ghét chủ nghĩa Quốc xã, Bock đã tiến thân nhiều dưới chế độ này và cũng vì tính khí rỗng tuếch và có tham vọng mà ông không muốn may rủi. Khi nhóm âm mưu vạch ra rằng Hitler đang dẫn nước Đức đến chỗ diệt vong, Bock lớn tiến: "Tôi không cho phép phê bình Lãnh tụ!"

Tresckow và các phụ tá thất vọng nhưng không nản chí. Họ quyết định tự hành động. Ngày 4/8/1941, Lãnh tụ đến thăm tổng hành dinh của Tập đoàn quân, họ lên kế hoạch bắt giữ ông khi ông đi từ sân bay đến tổng hành dinh. Nhưng họ đã quá nghiệp dư và không tính đến những phương pháp an ninh cho Lãnh tụ. Luôn có một lực lượng SS hùng hậu bao quanh và không sử dụng xe của quân đội khi đi từ sân bay đến – Hitler đã phái trước một đoàn xe để dùng cho chuyến đi – nhóm âm mưu không có cơ hội tiếp cận để ra tay. Thất bại này – hẳn cũng có những thất bại khác tương tự – dạy cho những người âm mưu trong quân đội vài bài học. Thứ nhất, đến gần Hitler không phải là việc dễ dàng; ông luôn được bảo vệ cẩn mật. Kế tiếp, bắt giữ ông không thể giải quyết vấn đề, vì các tướng lĩnh chủ chốt hoặc quá hèn nhát hoặc quá hoang mang về lời tuyên thệ trung thành với ông nên có thể không cho phép nhóm âm mưu hành động tiếp. Vào khoàng thời gian này, mùa thu 1941, vài sĩ quan Quân đội trẻ đành phải đi đến kết luận là giải pháp đơn giản nhất, có lẽ giải pháp duy nhất, là hạ sát Hitler. Lúc ấy, sau khi được giải thoát khỏi lời tuyên thệ, các tướng lĩnh e dè sẽ thuận theo chính quyền mới và mang đến sự ủng hộ của Quân đội.

Nhưng các chỉ huy của nhóm âm mưu chưa sẵn sàng tiến xa như thế. Họ định ra một kế hoạch ngu xuẩn gọi là "hành động cô lập" mà vì lý do nào đấy họ nghĩ sẽ thỏa mãn lương tâm của các tướng lĩnh về lời tuyên thệ và cùng lúc cho phép họ loại trừ Hitler. Ngay cả bây giờ ta còn cảm thấy khó hiểu về việc này, nhưng ý tưởng là các chỉ huy quân đội cấp cao, cả ở hai mặt trận miền Tây và miền Đông, theo hiệu lệnh đã định trước chỉ việc bất tuân mệnh lệnh của Hitler. Dĩ nhiên như thế là phá vỡ lời tuyên thệ trung thành với Lãnh tụ, nhưng những người ngụy biện ở Berlin giả vờ không thấy điều này. Họ giải thích rằng trong trường hợp gì đi nữa, mục đích thật sự là tạo ra tình trạng hoang mang, trong khi ấy Beck với sự yểm trợ của lực lượng Dân quân ở Berlin sẽ cướp chính quyền, cách chức Hitler và đặt Đức Quốc xã ra ngoài vòng pháp luật.

Lực lượng Dân quân có một triệu người nhưng chỉ là một tổ chức ô hợp gồm những tân binh qua huấn luyện sơ sài trước khi được điều đi chiến trường để thay thế cho số thương vong. Vài tướng lĩnh cao cấp ở mặt trận Liên Xô hoặc vùng chiếm đóng có thể thuận theo nhóm âm mưu nếu kế hoạch ban đầu thành công. Một người trong số này, đã can dự vào âm mưu của Halder nhằm bắt Hitler vào thời điêm Hội nghị München, xem như là chọn lựa đúng lý. Đấy là Thống chế von Witzleben, bây giờ là Tổng Tư lệnh Mặt trận miền Tây. Giữa tháng 1/1942, nhóm âm mưu phái Hassell đi gặp Witzleben và Tướng Alexander von Falkenhausen, chỉ huy quân Đức tại Bỉ, Hassell đang bị Gestapo theo dõi, nhưng sử dụng bình phong là chuyến đi diễn thuyết cho các sĩ quan Đức và viên chức địa phương về "Không gian sinh sống và Chủ nghĩa Đế chế." Giữa các buổi giảng, ông tham khảo với Falkenhausen ở Brussels và Witzleben ở Paris. Cả hai có ấn tượng tốt với ông, đặc biệt là Witzleben.

Bị cho ra rìa tại Pháp trong khi các thống chế đồng sự đang chỉ huy những trận đánh quang vinh tại Liên Xô, Witzleben khao khát hành động. Ông bảo Hassel "hành động cô lập" là chuyện không tưởng. Cách duy nhất là lật đổ Hitler, và ông sẵn lòng nhận vai trò đi đầu. Có lẽ thời gian thích hợp nhất là mùa hè 1942, khi Đức mở lại cuộc tiến công ở Liên Xô. Để chuẩn bị cho ngày này, ông muốn có sức khỏe tốt, nên xin tiến hành một tiểu giải phẫu. Không may cho ông và cho nhóm âm mưu, quyết định này gây hậu quả tai hại. Witzleben bị bệnh trĩ, và tiểu giải phẫu để chữa trĩ chỉ là một ca thông thường. Nhưng khi Witzleben xin nghỉ bệnh một thời gian ngắn, Hitler nhân cơ hội này cho ông về hưu, cử Rundstedtthay thế. Ông này không có can đảm chống lại Hitler dù gần đây bị Hitler đối xử tệ hại. Thế là nhóm âm mưu thấy hy vọng chính yếu của họ trong Quân đội là một Thống chế không có quân. Chỉ có tướng mà không có quân thì không thể thành lập chế độ mới.

Các nhà lãnh đạo của nhóm âm mưu vô cùng chán nản. Họ vẫn gặp gỡ nhau mà bàn bạc âm mưu, nhưng không thể tìm được phấn khởi. Hassell ghi nhận là vào cuối tháng 2/1942, họ nghĩ dường như không thể làm gì Hitler được.

Tuy nhiên, có phải làm nhiều việc để củng cố ý tưởng của họ về loại hình chính phủ họ mong muốn cho nước Đức sau khi lật đổ Hitler và cải thiện tình trạng hỗn loạn của tổ chức để nắm chính quyền khi thời cơ đến.

Phần lớn các nhà lãnh đạo của nhóm âm mưu, vốn bảo thủ, muốn phục hồi vương triều Hohenzollern. Nhưng trong một thời gian dài, họ không nhất trí với nhau hoàng tử Hohenzollern nào sẽ lên ngôi. Có người chọn Hoàng Thái tử, có người đề xuất con trai trưởng của Hoàng Thái tử, nhưng đều bị người khác chống đối. Cho đến mùa hè 1941, nhiều người đồng ý chọn Louis-Ferdinand, con trai thứ hai của Hoàng Thái tử, lúc ấy 23 tuổi. Hassell và vài người khác không được thuyết phục lắm, nhưng rốt cuộc họ thuận theo.

Mối quan tâm chính yếu của Hassell là loại hình và bản chất của chính phủ Đức trong tương lai. Ông tham khảo với Tướng Beck, Goerdeler và Popitz để soạn ra một chương trình cho giai đoạn tạm thời, được hoàn thiện vào cuối năm 1941. Dự định sẽ phục hồi tự do các nhân, cử một phụ chính để người này bổ nhiệm chính phủ và Hội đồng Nhà nước. Chế độ có phần nào chuyên chế, nên Goerdeler và đại diện nghiệp đoàn trong nhóm âm mưu không thích. Nhưng vì thiếu ý tưởng cụ thể nào hay hơn, kế hoạch của Hassell được chấp nhận trên nguyên tắc. Sau này vào năm 1943, Nhóm Kreisau do Bá tước Helmuth von Moltke cầm đầu soạn một chương trình phóng khoáng hơn để thay thế.

Cuối cùng, đến mùa xuân 1942, nhóm âm mưu cử một lãnh đạo là Tướng Beck, do trí thông minh, tính tình, uy tín đối với các tướng lĩnh, và tiếng tăm trong cũng như ngoài nước. Tuy nhiên, họ có tổ chức quá yếu kém đến nỗi họ không bao giờ đưa ông vào vị thế chỉ huy. Một ít người, như Hassell, tuy ngưỡng mộ và tôn trọng ông, vẫn tỏ ý nghi ngờ. Tuy thế, đến tháng 3/1942, sau nhiều buổi họp kín, cả nhóm đồng ý để Beck nắm quyền thật sự.

Nhưng âm mưu vẫn còn mông lung và vô định ngay cả ở những thành viên tích cực nhất. Họ biết rằng mùa xuân này Hitler đang lên kế hoạch mở lại cuộc tiến công trên đất Nga. Họ nghĩ việc này sẽ nhấn chìm sâu thêm nước Đức. Nhưng họ vẫn nói, chứ không làm gì cụ thể. Họ không có kế hoạch gì cả trong khi còn có thời giờ. Ngày 28/3/1942, Hassel ghi trong nhật ký:

Trong những ngày qua ở Berlin, tôi đã có những buổi thảo luận chi tiết với Jessen, Beck và Goerdeler. Viễn cảnh là rất tốt đẹp.

Làm thế nào có thể tốt đẹp được? Không có kế hoạch hành động nào. Ngay bây giờ. Trong khi vẫn còn có thời gian.